Nhu cầu tăng kéo theo giá bán tăng đã mang lại bức tranh sáng cho các doanh nghiệp cao su
Nhu cầu vượt nguồn cung
Phiên giao dịch ngày 24/7/2024, nhóm cổ phiếu cao su tăng giá mạnh theo thị trường chung. Trước đó, nhóm cổ phiếu này có nhịp điều chỉnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán cũng như giá cao su điều chỉnh. Tuy nhiên, so với 1 năm trước, giá cổ phiếu GVR tăng gần 53%, cổ phiếu SRC tăng hơn 118%, cổ phiếu DRC tăng 51,6%, cổ phiếu DPR tăng hơn 41%, cổ phiếu TRC tăng hơn 30%..., trong khi VN-Index chỉ tăng khoảng 4%, nhờ giá bán mủ cao su trên thế giới có xu hướng phục hồi. Hiện tại, một số nơi có giá bán mủ cao su từ 350 - 405 đồng/TSC, cao hơn 100 - 160 đồng/TSC so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 40 - 65%.
Trong tháng 6 vừa qua, xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng mạnh cả về số lượng và giá trị. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu “vàng trắng” đạt 153.500 tấn, trị giá 247 triệu USD, tăng 82% về lượng và tăng 83% về trị giá so với tháng liền trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, hoạt động xuất khẩu cao su giảm giảm 15,1% về lượng và chỉ tăng 3,1% về trị giá.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 726.650 tấn, trị giá trên 1,1 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.525 USD/tấn, tăng 11%.
Nhìn lại năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 2,89 tỷ USD, giảm 0,04% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với năm 2022; giá xuất khẩu bình quân là 1.350 USD/tấn, giảm 12,7%.
Năm 2024, nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới cao hơn so với nguồn cung là yếu tố tác động tích cực đến hoạt động của ngành cao su thiên nhiên Việt Nam. Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên dự báo, nhu cầu cao su toàn cầu năm nay sẽ tăng lên 15,7 triệu tấn, trong khi nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu khoảng 14,5 triệu tấn, tức thiếu hụt 1,2 triệu tấn.
Trong khi đó, những thách thức từ biến đổi khí hậu, nắng hạn ảnh hưởng lớn đến sản lượng thu hoạch mủ cao su. Tình trạng thiếu hụt lao động khai thác mủ cao su, diện tích đi vào khai thác tăng trưởng chậm khi diện tích trồng mới ở mức thấp cũng là các khó khăn hiện hữu. Ngành cao su thiên nhiên được nhận định có thể bước vào giai đoạn thiếu hụt, hỗ trợ xu hướng tăng của giá cao su tự nhiên trong dài hạn.
Bức tranh kinh doanh có nhiều điểm sáng
Giá bán tăng cao đã giúp Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã DPR) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2024. Riêng tháng 6, Công ty bán được cao su với giá trung bình 43,39 triệu đồng/tấn, cao hơn 19% so với kế hoạch bình quân cả năm (36,46 triệu đồng/tấn) và tăng 121,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Cao su Đồng Phú đạt doanh thu hơn 324 tỷ đồng, tăng 19,5%; lợi nhuận gộp 118,9 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 38,5% kế hoạch doanh thu và 42,9% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR), doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong quý II/2024 lần lượt tăng 29% và 27% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 5.507 tỷ đồng và 1.131 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, GVR ghi nhận doanh thu hợp nhất 10.092 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.909 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, lãnh đạo GVR cho biết, giá bán mủ cao su trên đà phục hồi cùng các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện đầu tư dần được khơi thông là yếu tố mang lại động lực tốt cho doanh nghiệp.
Năm 2024, GVR đặt mục tiêu đạt doanh thu 24.999 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng, tăng 13% về doanh thu, nhưng lợi nhuận tương đương mức thực hiện năm 2023. Doanh nghiệp nhận định, dù có những thuận lợi về thị trường và giá bán, nhưng nửa cuối năm nay có thể gặp các thách thức đến từ yếu tố thời tiết, tình trạng thiếu lao động cạo mủ ở một số khu vực, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng…
Ở nhóm cao su săm lốp, kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay cũng khả quan, nhất là quý II.
Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (mã BRC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 5,6 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp tích cực vào kết quả này là doanh thu mảng băng tải dây chuyền tăng 24,8%, đạt 75 tỷ đồng và doanh thu mảng cao su kỹ thuật tăng 63%, đạt 23,3 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC), tỷ giá hối đoái tăng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu. Quý II/2024, DRC ghi nhận doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.364 tỷ đồng, đây là mức doanh thu theo quý cao nhất kể từ khi Công ty thành lập; lợi nhuận sau thuế tăng 52%, đạt 77,4 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, DRC đạt doanh thu hơn 2.337 tỷ đồng, tăng 3% và lợi nhuận sau thuế 126,7 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, DRC đã hoàn thành được 46% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một doanh nghiệp cao su có lợi nhuận sau thuế quý II/2024 sụt giảm là Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (mã PHR), dù doanh thu tăng. Cụ thể, quý II năm nay đạt doanh thu hơn 186 tỷ đồng, tăng 10,7%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 19,2 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm là do không có khoản lợi nhuận từ thanh lý cây cao su như cùng kỳ (68,7 tỷ đồng).
Nhìn về dài hạn, triển vọng tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp cao su vẫn tích cực trước tác động của các yếu tố thị trường toàn cầu như nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên được dự báo tăng trưởng 4 - 6%/năm với sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe, nhất là thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ, Thái Lan cũng có tín hiệu tăng trưởng ở ngành sản xuất săm lốp ô tô.
Tác giả Hải Minh