TPO - Từ phát biểu của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (tỉnh Gia Lai) ở nghị trường Quốc hội, mạng xã hội có nhiều thông tin cho rằng, cây cao su là loại cây độc, thậm chí hấp thụ khí ôxi và nhả khí CO2, trái ngược với các loại cây khác. Chuyên gia lâm nghiệp nói gì về điều này?
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội Quốc hội ngày 5/11, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (tỉnh Gia Lai) cho rằng hiện nay, cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”, nữ đại biểu nói.
Thông tin mà đại biểu Ksor H’Bơ Khăp khiến nhiều người tranh luận trên các diễn đàn và mạng xã hội.
“Gọi là rừng cao su nhưng tính chất hỗ trợ không thể như rừng tự nhiên. Bởi đất dưới rừng cao su không có thảm tự nhiên, khả năng tích thủy không nhiều. Tất cả những rừng nhân tạo, khả năng tích thủy không thể bằng rừng tự nhiên.
Đối với rừng cao su (tương tự rừng bạch đàn), chim chóc không sinh sống vì không có thức ăn. Rừng phải có thảm thực vật, có cây, có quả thì chim thú mới tìm đến. Đây là nguyên nhân chứ không phải vì rừng độc, không một con gì sống được. Sở dĩ không có thực vật sống dưới tán cây cao su là do người chăm sóc đã chặt hoặc dọn đi hết để dành chất dinh dưỡng cho cây cao su phát triển”, GS-TS Ngô Quang Đê cho biết.
Cũng theo GS-TS Ngô Quang Đê, cây cao su là một loài cây dễ thích nghi, phát triển trên những vùng đất khó, nghèo kiệt, những vùng rừng tạp cho kinh tế thấp… Cây cao su phát triển tốt ở vùng nhiệt đới ẩm, có nhiệt độ trung bình từ 22 °C đến 30 °C, cần mưa nhiều nhưng không chịu được sự úng nước và gió.
Cây cao su cũng đem lại nhiều lợi ích cho người trồng. Mủ cao su một giai đoạn được ví như là “vàng trắng”. Việc trồng, khai thác, chế biến các sản phẩm từ mủ cao su đã trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.