Ấn Độ tăng nhập khẩu cao su từ thị trường Việt Nam

 

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Ấn Độ với 74,07 nghìn tấn, trị giá 146,95 triệu USD, tăng 52,9% về lượng và tăng 58,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 88,72 nghìn tấn cao su sang Ấn Độ, trị giá đạt 157,11 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và tăng 44,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.771 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, chủng loại cao su SVR10 được xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều nhất, chiếm 34,7% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ. Đứng thứ 2 là chủng loại SVR3L chiếm 28,9% và thứ ba là RSS3 chiếm 11,7% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm 2022.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su sang Ấn Độ tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: SVR20 tăng 4%; SVR10 tăng 3,8%; Latex tăng 4,4%... Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su sang Ấn Độ vẫn giảm như SVR3L giảm 2,9%; SVR CV60 giảm 0,6%; SVR CV50 giảm 1,9%...

Ấn Độ tăng nhập khẩu cao su từ thị trường Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 7 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ nhập khẩu 701,55 nghìn tấn cao su (HS 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Hàn Quốc, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Bờ Biển Ngà là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ. Trong đó, nhập khẩu cao su của Ấn Độ từ các thị trường Việt Nam, Ma-lai-xi-a và Bờ biển Ngà đã tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Ấn Độ với 74,07 nghìn tấn, trị giá 146,95 triệu USD, tăng 52,9% về lượng và tăng 58,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,6% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2022, cao hơn so với mức 7,1% của cùng kỳ năm 2021.

Về cơ cấu chủng loại nhập khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ nhập khẩu 306,48 nghìn tấn cao su tự nhiên (HS 4001), trị giá 592,72 triệu USD, tăng 13,4% về lượng và tăng 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2022 với 73,14 nghìn tấn, trị giá 144,85 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 59,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ chiếm 23,9%, tăng mạnh so với mức 17,6% của cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần cao su của In-đô-nê-xi-a và Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm mạnh, trong khi thị phần của Việt Nam, Bờ Biển Ngà và Ma-lai-xi-a tăng lên.

Trong khi đó, Ấn Độ lại giảm nhập khẩu cao su tổng hợp (HS 4002). Trong 7 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ nhập khẩu 316,68 nghìn tấn cao su tổng hợp, trị giá 828,73 triệu USD, giảm 8,9% về lượng, nhưng tăng 14,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Hàn Quốc, Nga, Xin-ga-po, Nhật Bản và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ; trừ Ba Lan và Xin-ga-po thì nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp chính cho Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Ba Lan và Xin-ga-po trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ tăng, trong khi thị phần của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga giảm. Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam chỉ chiếm 0,3% trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ.

Phát triển thương hiệu ngành Cao su Việt Nam

Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng cao su nhưng đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su xuất khẩu nhờ năng suất dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, giá bán cao su của Việt Nam lại thấp hơn các nước trong khu vực do khách hàng chưa tin cậy và sự ổn định chất lượng và uy tín của thương mại của doanh nghiệp. Đặc biệt, với nguồn cao su tiểu điền đang chiếm đến 57% sản lượng nhưng chất lượng chưa ổn định, đồng đều và chưa có hệ thống kiểm tra chất lượng từ cơ quan quản lý nhà nước.

Mới đây, Hiệp hội Cao su Việt Nam ký kết hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, phát triển “Nhãn hiệu Cao su Việt Nam – Viet Nam Rubber”

Bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ này, hai bên thống nhất cơ chế hợp tác có tính nguyên tắc về trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại trong thời gian tới. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ doanh nghiệp ngành cao su trong phát triển thị trường, đặc biệt là xúc tiến xuất khẩu và phát triển thương hiệu ngành cao su bền vững.

Theo biên bản ký kết hợp tác, hai bên ưu tiên phối hợp thực hiện đổi mới phương thức, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, sản phẩm ngành cao su. Trong đó, phát triển thương hiệu ngành cao su thông qua Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam - Viet Nam Rubber” ở trong và ngoài nước, qua đó nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho Hiệp hội Cao su Việt Nam và doanh nghiệp của ngành để đáp ứng xu hướng xúc tiến thương mại trên môi trường số và xúc tiến thương mại đa kênh.

Bên cạnh đó, hai bên chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước liên quan đến ngành cao su, phổ biến cơ chế chính sách, các hoạt động hỗ trợ và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu tới cộng đồng doanh nghiệp ngành cao su để kịp thời nắm bắt thông tin và được hỗ trợ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho Hiệp hội Cao su Việt Nam và doanh nghiệp của ngành để đáp ứng xu hướng xúc tiến thương mại trên môi trường số và xúc tiến thương mại đa kênh…

 Trung Anh (t/h)

(Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/an-do-tang-nhap-khau-cao-su-tu-thi-truong-viet-nam-90081.html)

Giá cao su tăng dựng đứng, cao nhất 13 tháng

 

Giá cao su tăng dựng đứng, cao nhất 13 tháng

Giá cao su tương lai tại Nhật Bản tăng 3,4% lên 2.250 USD/tấn.

Giá cao su tăng dựng đứng, cao nhất 13 tháng
Diễn biến giá cao su tương lai tại thị trường Nhật Bản. Nguồn: Trading Economics
 
 

Theo Trading Economics, giá cao su tự nhiên tương lai tại Nhật Bản ngày 15/4 là 284 yên/kg (2.250 USD/tấn), tăng 3,4% so với ngày hôm qua, cao nhất kể từ tháng 3/2021 vì nguồn cung thắt chặt. Ở Thái Lan, mưa lớn đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mủ cao su, nguồn nguyên liệu thô giảm đã hỗ trợ giá mặt hàng này.

 

Thị trường cao su bị ảnh hưởng sau khi OPEC cho rằng thế giới sẽ không thể thay thế được khoảng 7 triệu thùng dầu và các chất lỏng khác mỗi ngày bị mất từ Nga.
 
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng thị trường cao su tự nhiên toàn cầu vẫn khả quan trong năm 2022. Sản lượng cao su tự nhiên trên thế giới năm 2022 dự kiến tăng 1,9% so với năm 2021, lên mức 14,1 triệu tấn; trong khi tiêu thụ dự kiến tăng 1,2% so với năm 2021, lên mức 14,2 triệu tấn.
 

Các yếu tố hỗ trợ cho giá cao su bao là điều kiện thời tiết bất lợi có thể làm khan hiếm nguồn cung trong những tháng tới, tốc độ tăng trưởng doanh số bán ôtô khả quan ở các nền kinh tế lớn, nhu cầu găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân tăng. Tuy nhiên, những thách thức có thể ảnh hưởng đến nhu cầu cao su như thiếu chất bán dẫn có thể ảnh hưởng đến sản xuất ôtô, giá dầu thô tăng cao, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

 

Về thị trường trong nước, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, từ đầu tháng 4 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có biến động. Tại Bình Phước, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng giữ giá thu mua ở mức 330-340 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty Cao su Phước Hòa được giữ ở mức 348-350 đồng/độ mủ. Tại Gia Lai, mủ cao su được Công ty Cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ, ổn định so với cuối tháng 3.

 

 
Đỗ Lan (Theo Trading Economics)
NDH
Link nguồn: https://ndh.vn/nguyen-lieu/gia-cao-su-tang-dung-dung-cao-nhat-13-thang-1313785.html

 

 

Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI): Cả năm 2021 báo lãi ròng 77 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, vượt 68% kế hoạch

Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI): Cả năm 2021 báo lãi ròng 77 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, vượt 68% kế hoạch

Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI): Cả năm 2021 báo lãi ròng 77 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, vượt 68% kế hoạch

Riêng trong quý 4, DRI ghi nhận lãi ròng 16 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái hơn 40 tỷ đồng và lỗ thanh lý vườn cây cao su hơn 11 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã chứng khoán: DRI) đã công bố BCTC hợp nhất quý 4 và lũy kế cả năm 2021.

Cụ thể, tính riêng quý 4, doanh thu thuần đạt gần 201 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Do chi phí giá vốn tăng ít hơn nên lợi nhuận gộp của DRI ghi nhận xấp xỉ 100 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện trong quý 4 năm 2020.

Do chi phí tài chính tăng gấp hơn 7 lần cùng kỳ, do đó sau khi khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, DRI ghi nhận lãi ròng 16 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ. Theo giải trình, DRI cho biết trong quý 4, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái hơn 40 tỷ đồng và lỗ thanh lý vườn cây cao su hơn 11 tỷ đồng.

Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI): Cả năm 2021 báo lãi ròng 77 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, vượt 68% kế hoạch - Ảnh 1.

Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần của DRI đạt 600 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Trừ đi chi phí, doanh nghiệp thu lãi ròng trong năm 2021 khoảng 77 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với kết quả cùng kỳ 2020 tương đương EPS đạt 1.052 đồng.

Như vậy, so với kế hoạch đề ra trong năm 2021 là tổng doanh thu gần 587 tỷ đồng và LNST là 45,8 tỷ đồng, DRI đã hoàn thành được 102% mục tiêu doanh như qua đó vượt 68% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của DRI đã giảm đi gần 9% so với đầu năm, đạt gần 1.103 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục tiền và tương đương tiền ghi nhận gần 85 tỷ đồng, tăng thêm 53 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; hàng tồn kho cũng tăng lên mức 86 tỷ đồng. Tài sản cố định hữu hình chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp với giá trị hơn 817 tỷ đồng.

Nợ phải trả của DRI tại thời điểm cuối năm ghi nhận hơn 341 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 124 tỷ đồng; còn vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt gần 155 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu DRI chốt phiên 14/1 tại mức 16.000 đồng/cổ phiếu.

Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI): Cả năm 2021 báo lãi ròng 77 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, vượt 68% kế hoạch - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu DRI trong vòng 1 năm gần đây

Phương Linh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

 

DRG muốn hạ sở hữu tại DRI xuống còn 36%

HĐQT CTCP Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRG) vừa thông qua việc thoái 30.6% vốn điều lệ đang sở hữu tại CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI). Nếu thực hiện hoàn tất, DRG sẽ không còn là Công ty mẹ của DRI khi tỷ lệ sở hữu hạ xuống còn 36%.

Theo Nghị quyết ngày 12/11, HĐQT DRG đã thống nhất việc thoái 30.6% vốn điều lệ đang sở hữu tại DRI. Điều này nhằm mục đích cơ cấu lại các khoản đầu tư tại công ty có vốn góp (của DRG), qua đó cơ cấu lại tình hình tài chính và tập trung nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

DRG đang là cổ đông lớn duy nhất tai DRI với sở hữu 48.75 triệu cp (66.6%). Nếu hoàn tất đợt thoái vốn như kế hoạch, DRG sẽ hạ sở hữu xuống còn 26.35 triệu cp (36%). Theo đó, DRG sẽ không còn nắm quyền chi phối tại DRI.

Trên thị trường, cổ phiếu DRI tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm, lên 16,700 đồng/cp tại đầu phiên 25/11/2021. Nếu chiếu theo mức giá này, ước tính thương vụ có thể đem về cho DRG khoảng 374 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của DRI, lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty báo lãi ròng hơn 61 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 10 tỷ đồng). So với kế hoạch lãi trước thuế hơn 63 tỷ đồng trong năm 2021, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của DRI đã vượt gần 31% so với mục tiêu đề ra. Tổng tài sản tại ngày 30/09/2021 của DRI giảm 11% so với đầu năm, còn hơn 1,071 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang vườn cao su giảm mạnh lần lượt 63% và 80%, còn gần 20 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

Duy Na

FILI

(Nguồn: https://vietstock.vn/2021/11/drg-muon-ha-so-huu-tai-dri-xuong-con-36-739-912128.htm?fbclid=IwAR2fvMXublhIB1XiQH-KjkjJyFE3CIxEQT6RPlOeWTEhM6IVz-Bz4flAlHs)

 

Giá cao su tăng mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu lãi to

Với giá cao su xuất khẩu tăng 29%, kim ngạch xuất khẩu tăng 46,5% trong 10 tháng, ngành cao su đang được xem là một trong số ít ngành may mắn nhất khi có được lợi nhuận cao trong năm nay...

Cao su sơ chế có giá bán tăng cao.
Cao su sơ chế có giá bán tăng cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su 10 tháng của năm 2021 đạt 1,49 triệu tấn, đem về 2,47 tỷ USD; tăng 13,9% về khối lượng và tăng 46,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

GIÁ CAO SU ĐANG TĂNG NHANH

Nhìn về thị trường xuất khẩu cao su năm nay, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm thì xuất khẩu sang một số thị trường tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hoà Séc, Canada… Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 68,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. 

Giá cao su tăng mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu lãi to - Ảnh 1

Dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng từ nay cho tới tháng 12/2021. Tuy cũng là nước trồng cao su lớn, nhưng quốc gia này vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng.

Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn mủ cao su để bù đắp mức thiếu hụt trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022. Đây được xem là yếu tố giúp giá xuất khẩu cao su Việt Nam duy trì mức cao trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), sau thời gian ngưng cạo mủ do dịch Covid-19, các hộ cao su tiểu điền và các công ty, nông trường quốc doanh ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh đã trở lại khai thác, khi các hạn chế đi lại dần được dỡ bỏ ở những vùng xanh.

Cùng với nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các nước này đang dần hồi phục sẽ là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su Việt Nam.

Trong quý 3 năm 2020, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động, dao động quanh mức 260-320 đồng/độ mủ. Nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên nhiều nông trường quốc doanh ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh ngừng cạo mủ để thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, khi hoạt động cạo mủ và kinh doanh mủ hồi phục trở lại, đồng thời với giá dầu trên thế giới tăng, đã khiến giá  mủ cao su tăng nhanh.

Đến thời điểm này (10/11) tại thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đồng Nai giữ ổn định ở mức 308-315 đồng/độ mủ, tại Bình Phước đạt khoảng 338-340 đồng/độ mủ. Giá mủ cao su chén đầu tại Đắk Lắk được thương lái thu mua ở mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại.

Trên thị trường thế giới, những tháng đầu năm 2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tăng cao do nhu cầu tăng và thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế thế giới sau đợt dịch năm 2020.

Giá cao su tăng mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu lãi to - Ảnh 2

Tuy nhiên, sau đó liên tục sụt giảm do tình trạng thiếu container vận chuyển và các nước như: Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan phải đối mặt với tình trạng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng, làm giảm sự kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế của khu vực.

 Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, giá cao su trên thế giới đã đảo chiều tăng trên sàn Nhật Bản và Trung Quốc, nhờ giá dầu tăng phi mã đã kéo theo giá cao su tăng mạnh. Đến phiên ngày 9/11, giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn giao dịch Osaka đã đạt mức 222,2 JPY/kg; giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đạt 13.965 CNY/kg. 

Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho hay, khai thác cao su thiên nhiên trên toàn thế giới năm 2021 dự kiến là 13,86 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ dự kiến là 14,166 triệu tấn. Như vậy, số liệu cho thấy thế giới sẽ thiếu hụt 240.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.

Đây là nguyên nhân chính đẩy giá cao su tăng rất mạnh trong năm nay. Ngoài ra do nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp.

DOANH NGHIỆP CAO SU TĂNG DOANH THU, TĂNG LÃI

Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng có sự chuyển biến cùng chiều với thị trường thế giới. Điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cao su được hưởng lợi. Cụ thể giá cao su xuất khẩu trong 3 quý đầu năm bình quân đạt 1.669 USD/tấn, tăng hơn 29% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19,  sản lượng mủ cao su thu hoạch suy giảm nhưng giá bán ở mức cao đã giúp các doanh nghiệp cao su ghi nhận biên lợi nhuận cải thiện, lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Quán quân tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của ngành cao su năm nay là Cao su Đồng Phú - Đăk Nông với mức tăng hơn 11 lần. Trong quý, doanh thu thuần  của công ty này tăng nhẹ gần 4%, giá vốn chỉ bằng 68% cùng kỳ nên công ty này có lãi gấp 12 lần thời điểm cùng kỳ. Báo cáo tài chính quý 3 năm 2021 của Cao su Thống Nhất cho thấy lợi nhuận trong quý tăng trưởng 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên ghi nhận doanh thu quý 3 đạt 265 tỷ đồng, tăng 16%, lợi nhuận sau thuế gấp 3,5 lần lên 159 tỷ đồng. Hay tại Cao su Đắk Lắk đạt doanh thu 384 tỷ đồng, tăng 47%; lãi sau thuế 31 tỷ đồng, gấp 3 lần quý 3/2020.

Theo lý giải của doanh nghiệp này, kết quả tăng trưởng chủ yếu nhờ giá bán mủ cao su tăng cao như TRC tăng 28,2%, đạt 38 triệu đồng/tấn. Với trường hợp của Cao su Phước Hòa, dù doanh thu thuần tăng 33,5%, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,8% lên 38,4%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 0,4%. 

Trong khi các công ty thành viên báo doanh thu và lợi nhuận đi lên, thì Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) có doanh thu thuần gần như đi ngang cùng kỳ năm trước với 6.151 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp mức tăng chính vẫn là doanh thu từ mủ cao su đạt 4.376 tỷ đồng. Mặc dù vậy, với biên lãi gộp đạt 34%, tăng 13,7 điểm % so với cùng kỳ đã giúp GVR ghi nhận mức lãi sau thuế 1.533 tỷ đồng, tăng 29%.

Tổng giám đốc GVR cho biết với những yếu tố thuận lợi khách quan, tập đoàn sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cao su năm 2021 tốt hơn năm 2020. Nhu cầu cao su trên thị trường thế giới đang phục hồi do hầu hết các quốc gia đang đẩy mạnh sản xuất bù đắp tăng trưởng sau khi kiểm soát dịch bệnh. 

Chu Khôi.

(DRI copy từ nguồn: https://vneconomy.vn/gia-cao-su-tang-manh-doanh-nghiep-xuat-khau-lai-to.htm?fbclid=IwAR1r7KwOMoWMVgVm7ZiVYk0lGT5uK823aZi132OnKCqzO7pasA13rgraikU)

 

Contacts

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.     (84) 262 3867676      (84) 262 3865303   59 Cao Thắng - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk - Việt Nam